Cái chết Chân Lạc

Chính sử ghi lại

Năm Kiến An thứ 25 (220), tháng giêng, Tào Phi kế thừa Ngụy vương, lập con cả Tào Duệ làm "Vũ Đức hầu" (武德侯). Tháng 6, quân Ngụy Nam chinh, Chân phu nhân ở lại Nghiệp Thành[20]. Tháng 10, Hán Hiến Đế bị ép buộc, tiến hành thiện nhượng cho Tào Phi, lập ra Tào Ngụy, sử gọi Ngụy Văn Đế.

Năm Hoàng Sơ thứ 2 (221), tháng 6, Tào Phi sai sứ giả đến ban chết Chân phu nhân, bà được an táng tại Nghiệp Thành. Về cái chết của bà, Tam quốc chí thuật lại rằng, khi Tào Phi xưng Đế, ông lạnh nhạt với chính thất Chân phu nhân, mà lại sủng ái Quý tần Quách Nữ Vương cùng các Lý Quý nhân, rồi Âm Quý nhân, sau đó lại nạp thêm hai con gái của Hán Hiến Đế, dù Chân thị là Chính thất phu nhân cũng không hề được ra chỉ lập làm Hoàng hậu. Chính vì lý do này, Chân phu nhân có sinh oán hận, Tào Phi nghe được, rất giận nên ban chết[21].

Nguyên nhân

Sách Tam quốc chí cũng ghi lại một câu chuyện nói về cái chết của bà. Khi ấy, Tào Phi hỏi Chu Tuyên:"Ta mơ thấy trên cung điện có hai mảnh ngói rơi xuống, hóa thành đôi uyên ương, đó là điềm gì chăng?". Chu Tuyên nói:"Chỉ sợ trong hậu cung sẽ có người bạo vong!". Tào Phi nói:"Ta là nói gạt ngươi thôi!". Nhưng Chu Tuyên lại nói:"Nằm mơ thường thể hiện mối bận tâm trong lòng, nếu có thể liên hệ hình ảnh cùng ngôn từ, tất sẽ bói được hung hay cát!". Còn chưa có nói xong, viên Hoàng môn lệnh cấp báo trong hậu cung có chuyện tàn sát lẫn nhau. Không lâu sau, Tào Phi lại nói với Chu Tuyên:"Hôm qua ta mơ thấy có cột khói thẳng lên trời". Chu Tuyên nói:"E rằng trong hậu cung sẽ có quý phụ chết oan". Tào Phi nghe đến rất hối hận, vì ông vừa ban chiếu hạ tuyên chết Chân phu nhân, muốn gọi lại nhưng đã không kịp[22].

Bên cạnh đó, theo đoạn trích từ "Ngụy thư" (魏書) do Bùi Tùng Chi ghi chép dẫn vào truyện hành trạng của Chân phu nhân trong Tam quốc chí, Tào Phi khi đến Lạc Dương không bỏ mặc Chân phu nhân, mà ra chiếu chỉ đón Chân phu nhân vào Trường Thu cung (長秋宮), cung điện dành cho Hoàng hậu thời Đông Hán tại Lạc Dương. Chân phu nhân từ chối vì tự nhận mình không đủ khả năng quản lý hậu cung và vì bản thân mang bệnh, đó là vào khoảng mùa hè năm đó. Tào Phi khi ấy định sang mùa thu sẽ đưa Chân phu nhân cùng mình đến Lạc Dương, thế nhưng bà lại đột ngột qua đời. Theo ghi chép này, Tào Phi đã rất cảm thương bà và để tang, truy tặng bà làm Hoàng hậu[23][24]. Đối với thông tin này, Bùi Tùng Chi nghi ngờ tính xác thực và ông cho rằng nguyên nhân khác khiến Tào Phi khiển bà tự sát, bao gồm thuyết bà có tư tình với em trai ông là Tào Thực[25].

Học giả Lư Bật (卢弼) trong Tam Quốc Chí tập giải (三国志集解) cho rằng, nguyên nhân cái chết của Chân phu nhân liên quan đến vấn đề chính trị. Căn cứ "Thế thuyết Tân ngữ", khi Tào Tháo cùng Tào Phi đánh hạ Nghiệp Thành, Tào Tháo nghe đến mỹ mạo của Chân thị, muốn triệu kiến, nhưng Tào Phi đã nhanh chân đến trước, còn cầu xin nạp Chân thị làm phu nhân, Tào Tháo thốt lên "Kim thiên phá tặc chính vi nô" (Nguyên văn: 今年破贼正为奴). Lư Bật cho rằng Tào Phi vào thời gian sau cứ bị chần chừ mãi không được lập làm Trữ, rất có thể là do duyên cố này. Ngày ra, "Quách hậu truyện" (郭后传) có ghi "Văn Đế định vi Tự, Hậu hữu mưu" (Nguyên văn: 文帝定为嗣,后有谋), cho thấy vai trò rất rõ của Quách thị trong việc giúp Tào Phi được thành người kế vị của Tào Tháo, đó là lý do vì sao Quách thị sau đó tối sủng, Chân phu nhân thì bị ghẻ lạnh[26][27]. Mặt khác, lại có tin truyền rằng Chân phu nhân mang thai Tào Duệ, là cốt nhục của Viên Hy chứ không phải của Tào Phi, và rằng chính Tào Phi giết Chân phu nhân chính là để bịt hết đầu mối, ngăn chặn tin tức lan truyền[28].

Thuyết lưu truyền

Tuy nhiên, truyền thuyết dân gian lãng mạn hóa câu chuyện của Chân phu nhân, người đời nói rằng cái chết của bà là do Quý tần Quách Nữ Vương hãm hại. Những sách nói về thuyết này có Ngụy lược (魏略), Hán Tấn xuân thu (漢晉春秋) cùng Tư trị thông giám.

Theo sách "Ngụy lược", năm đó Chân phu nhân bị Quách Quý tần dèm pha mà hại. Trước khi bị ban chết, Chân phu nhân đã gửi con trai là Tào Duệ cho một phi tần khác là Lý phu nhân. Sau khi Tào Duệ lên ngôi, tôn Quách thị làm Thái hậu, mấy lần hỏi đến Quách Thái hậu chuyện cũ của mẹ mình, nên Quách Thái hậu sợ hãi mà chết. Do Quách Thái hậu đã mất, Lý phu nhân lúc này mới nói sự thực chuyện Chân hậu cho Tào Duệ nghe, ông bi thống không thôi, đem tóc che hết mặt của Quách Thái hậu rồi mới an táng bà ta[29].

Sách "Hán Tấn xuân thu" cùng "Tư trị thông giám" ghi lại Chân phu nhân là bởi vì Quách thị được sủng ái mà chết. Khi đó, Chân phu nhân còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng, để linh hồn bà không thoát khỏi ra kêu oan được. Sau khi Tào Duệ kế vị, trong lòng phẫn hận, mấy lần khóc thút thít hỏi rõ Quách Thái hậu chuyện cũ. Quách Thái hậu tức giận nói: "Tiên đế ban cho bà ta tội chết liên can gì tới ta? Huống hồ người là con của Tiên đế lẽ nào lại truy tội người cha đã chết của mình, rồi vì người mẹ chết mà ép chết người mẹ sau?". Tào Duệ nghe thấy càng thêm tức giận, vì thế bức chết Quách Thái hậu[30][31].

Học giả Lư Bật ghi trong "Tam Quốc Chí tập giải" lại tỏ ra nghi ngờ về các giả thiết này, vì thời điểm Chân phu nhân bị ban chết là năm Hoàng Sơ thứ 2, Tào Duệ đã 17 tuổi, cái chết của mẹ ruột không lẽ không thể biết rõ, còn phải dò hỏi Quách Thái hậu chăng?[32].